Đo điện trở đất, điện trở tiếp địa chống sét
Tại sao phải đo điện trở đất, chúng ta đo điện trở tiếp địa để làm gì? Xin giới thiệu sơ lược thế nào là hệ thống nối đất chống sét, tiếp địa cho thiết bị và cách đo điện trở chống sét.
Trước hết ta cần xem xét hệ thống nối đất, tiếp địa là gì, chúng có tác dụng như thế nào?
Hệ thống tiếp địa thông thường bao gồm các cọc thép hoặc cọc thép bọc đồng (hoặc mạ đồng) được chôn hoặc đóng xuống đất. Chiều dài của cọc từ 1,2 – 2,5 m và có thể là thép góc hoặc thép tròn và chúng được liên kết với nhau thành hệ thống tiếp địa phù hợp với yêu cầu chống sét cho từng đối tượng cụ thể. Hiện nay chúng ta đang áp dụng tiêu chuẩn chống sét TCVN 9385:2012 “ Chống sét cho công trình xây dựng – Hướng dẫn thiết kế, kiểm tra và bảo trì hệ thống” và Quy phạm nối đất và nối không các thiết bị điện TCVN 4756:1989.
Các cọc này thường được dùng bằng thép góc, thép thông thường nếu như công trình tiếp địa, chống sét sử dụng tạm thời. Còn khi xác định công trình lâu dài ta nên sử dụng cọc đồng và liên kết các cọc này bằng các thanh đồng hoặc dây đồng để tăng tuổi thọ của hệ thống tiếp địa chống sét, tránh bị đứt rỉ và gây ra tác hại không mong muốn. Ngoài ra ta cũng có thể lắp thêm thiết bị đếm sét để xác định số lần năng lượng sét đã đi qua hệ thống chống sét của công trình.
Để kết nối các cọc đồng tiếp đất và dây đồng trần thoát sét, ta sử dụng các mối hàn hóa nhiệt. Mối hàn này đảm bảo dẫn dòng điện, ít bị bị lão hóa, bị ăn mòn theo thời gian.(Trong một số trường hợp ít quan trọng thì mối ghép này có thể dùng hàn hơi hoặc kẹp nối …)